Tóm tắt thông tin chính của Nghị định 80/2024/NĐ-CP

Tóm tắt thông tin chính của Nghị định 80/2024/NĐ-CP

Bản tóm tắt sau đây cung cấp ngắn gọn những thông tin chính của Nghị định 80 (có hiệu lực kể từ ngày 03/07/2024) quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, gồm ba phần: (1) Một số thuật ngữ và Giải thích, (2) Một số nội dung chính của Nghị định, và (3) Nhận định cơ hội và giải pháp.

1. Một số Thuật ngữ & Giải thích:

1.1.Nghị định 80 là Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn do Chính phủ ban hành ngày 03/07/2024.

1.2. “Đơn vị điện lực”[1] là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.

1.3. “Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo”[2] (Đơn vị phát điện NLTT) là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.

1.4. “Giấy phép hoạt động điện lực” là loại văn bản được cấp cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện yêu cầu[3] để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực bao gồm tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.

1.5. “Đường dây kết nối riêng”[4] là hệ thống đường dây, trạm biến áp và các trang thiết bị phụ trợ phục vụ truyền dẫn điện riêng do Đơn vị phát điện NLTT đầu tư, xây dựng và vận hành để bán trực tiếp cho Khách hàng sử dụng điện lớn trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

1.6. “Khách hàng sử dụng điện lớn”[5] là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác, theo quy định của Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện hoặc có sản lượng tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp như sau:

a) Đối với Khách hàng sử dụng điện lớn đang sử dụng điện: sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất); hoặc

b) Đối với Khách hàng sử dụng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng: tính theo sản lượng đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên.​​​​​​​

1.7. “Lưới điện quốc gia”[6] là hệ thống đường dây tải điện, trạm điện và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trừ Đường dây kết nối riêng.​​​​​​​

1.8. “Thị trường điện giao ngay”[7] là thị trường mua, bán điện năng trong các chu kỳ giao dịch do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện thực hiện theo quy định tại các cấp độ của thị trường điện lực cạnh tranh.​​​​​​​

1.9. “Tổng công ty Điện lực”[8] là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. 

2. Một số nội dung chính của Nghị Định:​​​​​​​

2.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện NLTT với Khách hàng sử dụng điện lớn qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.​​​​​​​

2.2. Cơ chế mua bán điện trực tiếp theo một trong hai hình thức:​​​​​​​

a) Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng:

Đơn vị phát điện NLTT và Khách hàng sử dụng điện lớn[9] ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng với giá bán điện trực tiếp được mua qua Đường dây kết nối riêng do hai bên tự thỏa thuận với nhau, trừ trường hợp Đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm[10]. ​​​​​​​

b) Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia:

Đơn vị phát điện NLTT và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện[11] tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) thực hiện hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn[12].​​​​​​​

2.3. Một số điều kiện đối với Đơn vị phát điện NLTT và Khách hàng sử dụng điện lớn:

a) Yêu cầu chung: Cần tuân thủ quy định pháp luật quy hoạch, đầu tư, giấy phép hoạt động điện lực, quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

b) Yêu cầu đối với Đơn vị phát điện NLTT  khi mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng:

- Được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện[13], trừ trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định. 

- Nếu không mua điện từ hệ thống điện quốc gia và có lưới điện để thực hiện hoạt động bán lẻ điện, Đơn vị phát điện NLTT phải đề nghị cấp phép hoạt động bán lẻ điện[14] đồng thời với lĩnh vực phát điện theo quy định[15].

c) Yêu cầu đối với Khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện qua Đường dây kết nối riêng:

- Nếu Khách hàng sử dụng điện lớn có trạm điện[16] cần phải: Đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện.[17]

3. Nhận định Cơ hội và Giải pháp​​​​​​​

3.1. Cơ hội mới cho các nhà đầu tư lớn​​​​​​​

a) Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) với nhu cầu sử dụng điện lớn và mong muốn tham gia vào thị trường NLTT của Việt Nam sẽ thấy quy định này hấp dẫn vì họ có thể đàm phán trực tiếp với các đơn vị phát điện để đảm bảo nguồn cung điện ổn định và giá cả hợp lý.​​​​​​​

b) Đối với các nhà đầu tư trong nước: Các doanh nghiệp lớn trong nước có thể tận dụng các cơ hội này để mở rộng hoạt động kinh doanh và tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua các hợp đồng liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và mua bán thiết bị với các nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao cơ hội thực hiện dự án.​​​​​​​

3.2. Giải pháp và Cơ hội cho SMEs

Có một số “cơ hội” và giải pháp tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các nhà xưởng có nhu cầu sử dụng điện NLTT nhưng chưa có đủ nguồn lực đầu tư và quản lý hệ thống. Dưới đây là một số gợi ý và giải pháp có thể giúp các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo:​​​​​​​

a) Hợp tác và Liên kết:

- Liên kết với các doanh nghiệp lớn: SMEs có thể hợp tác với các doanh nghiệp lớn để cùng đầu tư và chia sẻ lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp lớn có thể cung cấp vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, trong khi SMEs cung cấp địa điểm và nhu cầu sử dụng điện.

- Hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ năng lượng: Có những công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCOs) có thể đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng tái tạo cho SMEs theo mô hình hợp tác công - tư (PPP). Các SMEs sẽ trả tiền điện theo hợp đồng dài hạn với mức giá ưu đãi.​​​​​​​

b) Tận dụng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ

- Chính sách ưu đãi tài chính: Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các gói hỗ trợ tài chính như vay vốn lãi suất thấp, giảm thuế, và trợ cấp cho các dự án NLTT. SMEs cần nắm bắt và tận dụng các chương trình này để giảm bớt gánh nặng tài chính.

- Chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo: Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) có thể tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý và vận hành hệ thống năng lượng tái tạo cho SMEs.​​​​​​​

c) Tham gia các dự án năng lượng cộng đồng

- Dự án điện mặt trời trên mái nhà: Các nhà xưởng và SMEs có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của mình. Điều này không chỉ cung cấp nguồn điện sạch mà còn giúp giảm chi phí điện hàng tháng.

- Mô hình chia sẻ năng lượng: SMEs có thể tham gia vào các mô hình chia sẻ năng lượng, nơi nhiều doanh nghiệp cùng góp vốn để đầu tư và chia sẻ lợi ích từ một dự án năng lượng tái tạo.​​​​​​​

d) Tận dụng các giải pháp tài chính sáng tạo

- Hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA): SMEs có thể ký kết các hợp đồng mua bán điện dài hạn với các nhà phát điện năng lượng tái tạo. Điều này giúp đảm bảo nguồn cung điện ổn định và giá cả hợp lý mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng.

- Hình thức thuê mua thiết bị: SMEs có thể thuê mua thiết bị năng lượng tái tạo thay vì mua đứt. Điều này giúp giảm bớt áp lực tài chính ban đầu và dễ dàng tiếp cận công nghệ mới.

Công ty Luật TNHH D.P.T là công ty luật trong nước với đội ngũ luật sư có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm, tận tâm cung cấp các dịch vụ pháp lý chất lượng cao. Để tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy đến với Quý Khách hàng trong quá trình thực hiện các dự án NLTT hoặc các giao dịch liên quan đến cơ chế DPPA, chúng tôi chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan như:

  • Tư vấn pháp lý cho các dự án NLTT hoặc các giao dịch liên quan đến cơ chế DPPA;
  • Hỗ trợ trong các thủ tục xin giấy phép và phê duyệt dự án;
  • Soạn thảo hợp đồng, giấy tờ pháp lý có liên quan.

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin, không phải ý kiến tư vấn pháp lý cho các vụ việc cụ thể. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: enquiry@dptlaw.vn hoặc số điện thoại: 0336662099. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe phản hồi và chia sẻ từ quý độc giả.

 


[1] Khoản 2 Điều 3 Luật Điện lực 2004.

[2] Khoản 6 Điều 3 Nghị định 80.

[3] Khoản 2 Điều 32 Luật Điện lực 2004 quy định điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau: (1) Có dự án hoặc phương án hoạt động điện lực khả thi; (2) Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; (3) Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực xem thêm tại Chương II Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 09/09/2020 của Bộ Công thương và Thông tư số 10/2023/TT-BCT ngày 21/04/2023 của Bộ Công thương.

[4] Khoản 9 Điều 3 Nghị định 80.

[5] Khoản 12 Điều 3 Nghị định 80.

[6] Khoản 13 Điều 3 Nghị định 80.

[7] Khoản 20 Điều 3 Nghị định 80.

[8] Khoản 21 Điều 3 Nghị định 80.

[9] Khoản 1 Điều 4 Nghị định 80.

[10] Khoản 4 Điều 6 Nghị định 80 quy định với trường hợp này thì giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành, xem thêm tại Quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Bộ Công thương.

[11] Khoản 5 Điều 3 Luật Điện lực 2004 quy định, “Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.” Như vậy, đơn vị bán lẻ điện tức là đơn vị điện lực bán điện cho khách hàng sử dụng điện.

[12] Khoản 10 Điều 3 Nghị định 80 quy định: “Hợp đồng kỳ hạn là một loại hợp đồng trong đó hai bên thỏa thuận, xác nhận cam kết về việc mua hoặc bán sản lượng điện năng theo một mức giá đã được xác định vào một thời iểm cụ thể trong tương lai

[13] Để được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 29 Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP) và có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực xem chi tiết tại Chương II Thông tư 21/2020/TT-BCT và Thông tư 10/2023/TT-BCT.

[14] Để được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện, cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 33 Nghị định 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP) và có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực xem chi tiết tại Chương II Thông tư 21/2020/TT-BCT và Thông tư 10/2023/TT-BCT.

[15] Khoản 1 Điều 7 Nghị định 80.

[16] Khoản 54 Điều 3 Thông tư 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ Công thương quy định, “Trạm điện là trạm biến áp, trạm cắt hoặc trạm bù”. Khách hàng sử dụng điện lớn không bắt buộc phải có trạm điện.

[17] Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 Nghị định 80.

← Bài trước Bài sau →
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Whatsapp Linkedin Lên đầu trang